Trong trường hợp nào Cơ quan điều tra gửi giấy mời; giấy triệu tập?

Thực tế, rất nhiều trường hợp ngay khi có đơn tố cáo, tố giác, tin báo tội phạm là lập tức những đối tượng bị tình nghi, người làm chứng bị triệu tập. Điều này là không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Trong trường hợp này, điều tra viên dùng giấy mời công dân đến làm việc.

Giấy mời: Giấy mời là loại giấy được sử dụng trong những trường hợp cơ quan công an, tòa án hay nói chung là các cơ quan tiến hành tố tụng mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc. Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được “giấy mời” của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan công an nói riêng thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu.

Do đó, đối với giấy mời, người được mời có quyền lựa chọn giữa đến và không đến. Vì là quyền nên việc không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, nếu có điều kiện và thời gian, người nhận được giấy mời nên đến làm việc với đơn vị đã gửi giấy mời để biết rõ được mình có liên quan như thế nào đến vụ việc/vụ án. Trong trường hợp, không thể đến theo đúng thời gian ghi trong giấy mời có thể làm đơn nêu lý do vắng mặt gửi lên cơ quan phát hành giấy mời để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

 Giấy triệu tập: Giấy triệu tập là loại giấy dành cho những người có liên quan đến những vụ việc đã và đang được giải quyết tại các cơ quan tố tụng như cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án…

Các trường hợp cơ quan điều tra gửi giấy triệu tập theo quy định của BLTTHS 2015

Bị can : Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã; (Khoản 3 điều 60)

 Bị cáo: Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã;(Khoản 3 điều 61)

 Bị hại: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải; (Khoản 4 điều 62)

 Nguyên đơn dân sự: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 63)

 Bị đơn dân sự: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;( Điều 64)

–  Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;( Điều 65)

–  Người làm chứng: Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; ( Điều 66)

 Người giám định: Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 68)

 Người định giá tài sản: Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 69)

 Người phiên dịch, người dịch thuật: Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 70)

Người bào chữa:  Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này thì phải có mặt theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; (Điều 73)

Như vậy, khi nhận được Giấy triệu tập thì bắt buộc phải có mặt nếu không rất có thể sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 1900 966 980 hoặc Email: luatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời!