Trách nhiệm giải quyết tố cáo được quy định như thế nào?

Luật Tố cáo 2018 có có 9 Chương và 67 Điều (thay thế cho Luật Tố cáo năm 2011). Và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, trong đó chi tiết trách nhiệm tiếp nhận giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Theo Điều 5 Luật Tố cáo 2018 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền  trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo, cụ thể:

“a) Tổ chức việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm an toàn cho người tố cáo; xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình;

b) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo”.

Bên cạnh đó, Luật Tố cáo cũng quy định trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo mà không tiếp nhận, không giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo hoặc giải quyết tố cáo trái pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm minh; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Không dừng lại ở trách nhiệm khi giải quyết tố cáo mà những hành vi sau đây bị pháp luật nghiêm cấm, đó là:

– Cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo.

– Thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc giải quyết tố cáo.

– Tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo.

– Làm mất, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu vụ việc tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

– Không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người tố cáo, người bị tố cáo.

– Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.

– Đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo.

Tố cáo, là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật Tố cáo 2018 báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, người giải quyết tố cáo phải có nghĩa vụ:

– Bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo;

– Áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;

– Không tiết lộ thông tin về việc giải quyết tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo;

– Thông báo cho người tố cáo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, việc chuyển vụ việc tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;

– Thông báo cho người bị tố cáo về nội dung tố cáo, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo; gửi kết luận nội dung tố cáo cho người bị tố cáo;

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết tố cáo;

– Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi giải quyết tố cáo trái pháp luật của mình gây ra.

Với những quy định nêu trên, Luật Tố cáo 2018 đã quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo. Đồng thời, cũng quy định nghĩa vụ của người trực tiếp giải quyết tố cáo. Bên cạnh đó, là nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo nếu người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.