Thời hạn giải quyết vụ án dân sự

Thứ nhất, Xét xử sơ thẩm

* Thời hạn nhận và xử lý đơn khởi kiện:

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, chánh án tòa án phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định: yêu cầu, sửa chữa đơn; tiến hành thủ tục thụ lý; chuyển đơn; trả lại đơn khởi kiện.

Như vậy, thời hạn tối đa cho việc nhận và xử lý đơn khởi kiện là 08 ngày làm việc.

* Thời hạn thụ lý vụ án

– Sau khi tiếp nhận đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo,  thẩm phán thông báo ngay cho người khởi kiện biết để làm thủ tục tạm ứng án phí, trong vòng 07 ngày kể từ nhận được giấy báo của tòa về việc tạm ứng án phí thì người khởi kiện phải tiến hành thủ tục nộp tạm ứng án phí. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp biên lai tạm ứng án phí.

– Trong vòng thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho các bên liên quan.

– Trong vòng thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, chánh án Tòa án quyết định phân công thẩm phán giải quyết vụ án

– Trong vòng 15 ngày nhận được thông báo, bị đơn , người có quyền lợi liên quan nộp cho tòa án văn bản ghi nhận ý kiến hoặc có thể gia hạn thêm tối đa 15 ngày nữa (nếu có).

* Thời hạn chuẩn bị xét xử:

– Các tranh chấp về kinh doanh thương mại và lao động thì thời hạn là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án và có thể kéo dài không quá 01 tháng

– Các tranh chấp trong lĩnh vực khác thời hạn là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án và có thể kéo dài không quá 02 tháng.

* Thời hạn phiên tòa sơ thẩm

– Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn 01 tháng, có thể 02 tháng (có lý do chính đáng) tòa án phải mở phiên tòa.

– Phiên tòa sơ thẩm có thể bị hoãn không quá 01 tháng.

Như vậy, một vụ án dân sự liên quan đến kinh doanh thương mại và tranh chấp lao động, được tiếp nhận và giải quyết sơ thẩm trong vòng từ 3 đến 4 tháng và có thể dài hơn. Đối với các vụ án khác được giải quyết trong vòng từ 4 đến 8 tháng và có thể dài hơn.

Thứ hai, Xét xử phúc thẩm

* Thời hạn kháng cáo, kháng nghị:

– Kháng cáo:  trong vòng 15 ngày kể ngày tòa án sơ thẩm tuyên án đối với bản án. Trong vòng 07 ngày kể ngày nhận được quyết định của tòa đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ. Trong vòng 10 ngày nhận được thông báo nộp tạm ứng án phí kháng cáo người kháng cáo phải đi nộp tiền tạm ứng án phí kháng cáo.

– Kháng nghị: thời hạn kháng nghị của viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, viện kiểm sát cấp trên là 01 tháng kể từ ngày tuyên án hoặc nhận được bản án đối với bản án. Đối với quyết định, thời hạn kháng nghị của viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày  kể từ ngày nhận được quyết định.

* Thời hạn thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm:

– Tòa án cấp sơ thẩm sẽ gửi hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị, tài liệu chứng cứ lên tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi hết thời hạn kháng nghị, hết thời hạn kháng cáo, người kháng cáo đã nộp biên lai  tạm ứng án phí phúc thẩm.

– Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ, tòa án cấp phúc thẩm phải thụ lý vụ án. Trong vòng 3 ngày làm việc phải thông báo cho các chủ thể có liên quan và  thành lập hội đồng xét xử phúc thẩm.

* Thời hạn xét xử phúc thẩm

– Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án và có thể kéo dài không quá 01 tháng.

– Thời hạn mở phiên tòa phúc thẩm: trong thời hạn 01 tháng, có thể trong thời hạn 02 tháng (có lý do chính đáng) kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

– Phiên tòa xét xử phúc thẩm có thể bị hoãn trong thời gian không quá 01 tháng.

Như vậy, thời gian xét xử một vụ án phúc thẩm trong vòng từ 3 tháng 4 tháng và có thể dài hơn.

                                                                                                             Công ty Luật Số 1, Hà Nội