Sau khi thành lập Doanh nghiệp phải lập những loại sổ sách nào?

Sau khi thành lập Doanh nghiệp phải lập những loại sổ sách nào?

1.Sổ quản lý lao động

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH thì: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp phải lập Sổ quản lý lao động nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.”

Theo đó, Sổ quản lý lao động có thể được lập bằng bản giấy hoặc bản điện tử phù hợp với nhu cầu quản lý, nhưng phải đảm bảo các nội dung cơ bản về người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH. Và Doanh nghiệp có trách nhiệm ghi chép, nhập đầy đủ thông tin về người lao động khi hợp đồng lao động có hiệu lực và cập nhật thông tin khi có sự thay đổi vào Sổ quản lý lao động.

2. Sổ quản lý người lao động chưa thành niên

Theo Khoản 2 Điều 162 Bộ Luật Lao động 2012 quy định về sử dụng người lao động chưa thành niên thì : “2. Khi sử dụng người lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.”

Như vậy theo quy định trên thì người sử dụng lao động phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu khi sử dụng người lao động chưa thành niên.

3. Sổ đăng ký cổ đông/ Sổ đăng ký thành viên

Theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì Doanh nghiệp phải lập và lưu giữ Sổ đăng ký thành viên (Công ty TNHH hai thành viên trở lên) hoặc Sổ đăng ký cổ đông ( Công ty cổ phần) từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, Sổ đăng ký cổ đông/ Sổ đăng ký thành viên có thể là văn bản, tập dữ liệu điện tử hoặc cả hai loại này.

4. Sổ thống kê tai nạn lao động

Doanh nghiệp phải thu thập, lưu trữ thông tin về tình hình tai nạn lao động xảy ra tại cơ sở của mình và lập Sổ thống kê tai nạn lao động theo từng năm (Mẫu Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 08/2016/TT-BLĐTBXH).

5. Sổ kế toán

Kế toán phải mở sổ kế toán ghi chép hàng ngày, liên tục theo trình tự phát sinh các khoản thu, chi, xuất, nhập tiền, ngoại tệ và tính ra số tồn tại quỹ và từng tài khoản ở Ngân hàng tại mọi thời điểm để tiện cho việc kiểm tra, đối chiếu.

Tất cả các biểu mẫu sổ kế toán (kể cả các loại Sổ Cái, sổ Nhật ký) đều thuộc loại hướng dẫn, không bắt buộc. Doanh nghiệp có thể áp dụng biểu mẫu sổ theo hướng dẫn tại phụ lục số 4 Thông tư 200/2014/TT-BTC hoặc bổ sung, sửa đổi biểu mẫu sổ, thẻ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý nhưng phải đảm bảo trình bày thông tin đầy đủ, rõ ràng, dễ kiểm tra, kiểm soát.

6. Sổ theo dõi công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành; Sổ theo dõi phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

Người đứng đầu cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy (theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP) phải có trách nhiệm lập và lưu giữ hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ sở. Trong đó bao gồm: Sổ theo dõi công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và hoạt động của đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành; Sổ theo dõi phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

( Cơ sở pháp lý: Thông tư 66/2014/TT-BCA về  quy định chi tiết thi hành một số điều của nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy)

Lưu ý: Ý kiến của Luật sư, văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài tư vấn nêu trên có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm tham khảo bài viết. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 1900 966 980 hoặc Email: luatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời!