Quyền, nghĩa vụ của các bên trong giải quyết tranh chấp lao động

1. Quyền, nghĩa vụ của các bên trong giải quyết tranh chấp?

Tình huống: Chồng tôi bị công ty xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải. Không đồng ý với quyết định này, chồng tôi đã làm đơn khởi kiện vụ tranh chấp lao động tại Tòa án nhân dân cấp huyện. Để nắm bắt rõ về quyền lợi của mình trong trường hợp này tôi muốn hỏi trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động nói trên, các bên có quyền và nghĩa vụ gì? Tôi có thể thuê Luật sư đại diện để giải quyết tranh chấp cho chồng tôi được không?

Trả lời:

Vụ việc nói trên được xác định là một tranh chấp lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động về vấn đề kỷ luật lao động. Theo Bộ luật Lao động về quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động thì hai bên có quyền và nghĩa vụ sau đây:

Quyền của hai bên: Trực tiếp hoặc thông qua đại diện để tham gia vào quá trình giải quyết; rút đơn hoặc thay đổi nội dung yêu cầu; yêu cầu thay đổi người tiến hành giải quyết tranh chấp lao động nếu có lý do cho rằng người đó có thể không vô tư hoặc không khách quan. Theo đó, chồng bạn có thể trực tiếp hoặc thông qua đại diện để tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Do đó, việc chồng bạn thuê luật sư để đảm bảo mọi quyền lợi của chính anh ấy là việc hoàn toàn chính đáng và được pháp luật công nhận.

Nghĩa vụ của hai bên: Cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình; chấp hành thỏa thuận đã đạt được, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Việc gia đình bạn có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án huyện phải kèm theo các dữ liệu chứng minh chồng bạn có căn cứ để khởi kiện, cũng vậy trong quá trình thụ lý Tòa án có thể yêu cầu thêm tài liệu, chứng cứ để chứng minh những vẫn đề cần làm rõ hơn. Do mỗi quá trình tố tụng đều có thời hạn nhất định tại quy định pháp luật vì vậy đòi hỏi phải có sự nhanh chóng cung cấp tài liệu một cách đầy đủ nhất từ phía chồng bạn sau khi nhận được đề nghị bổ sung thêm tài liệu.

Như vậy, để bảo vệ được quyền lợi của mình thì chồng bạn cần phải nắm rõ được quyền, nghĩa vụ của mình cụ thể trong tranh chấp. Hơn nữa, chồng bạn hoàn toàn có thể ủy quyền cho luật sự thay chồng bạn tiến hành các khâu giải quyết tranh chấp.

 2. Các phương thức giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Trong giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm những phương thức nhưu thương lượng, hòa giải và xét xử. Mỗi phương thức điều có những đặc điểm riêng, cụ thể như sau:

  • Thương lượng

Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên tranh chấp đối thoại với nhau một cách trực tiếp nhằm đạt được thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Trong thực tế, đây là phương thức được lựa chọn sử dụng rộng rãi nhất. Theo Bộ Luật lao động, thương lượng và tự dàn xếp như là nguyên tắc đầu tiên cho việc giải quyết tranh chấp lao động. Tuy nhiên, thương lượng không phải giai đoạn bắt buộc phải có.

  • Hòa giải

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba nhằm hỗ trợ được các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp. Ở hòa giải tranh chấp lao động, hòa giải viên hoặc Hội đồng hòa giải không chỉ xúc tiến sự đối thoại giữa các bên mà còn đề xuất phương án giải quyết với các bên tranh chấp.

  • Xét xử

        Phương thức xét xử là phương thức giải quyết tranh chấp mà trong đó, tòa án sẽ có một bản án hoặc một quyết định để giải quyết vụ việc. Về mặt tố tụng hiện nay, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động nói chung và tranh chấp lao động cá nhân nói riêng tại Tòa án căn cứ vào quy định của pháp luật. Việc xét xử tại Tòa án có ưu điểm rất lớn về mặt thực thi bản án, nếu như các chủ thể không tiến hành thực thi bản án có thể bị áp dụng biên pháp cướng chế.