Những loại giấy tờ không được hợp pháp hóa lãnh sự

Thủ tục có yếu tố nước ngoài là vấn đề mơ hồ của nhiều người. Họ không biết khi thực hiện thủ tục này thì có những loại giấy tờ nào được hợp pháp hóa và những loại nào không được hợp pháp hóa lãnh sự. Trước hết ta nên hiểu thế nào là hợp pháp hóa lãnh sự?.

Hợp pháp hóa lãnh sự là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng ở Việt Nam. (Khoản 2 Điều 2 Nghị định 111/2011/NĐ-CP)

Bên cạnh đó, người yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự cần phải lưu ý những điểm sau:

– Giấy tờ, tài liệu được hợp pháp hóa lãnh sự chỉ được chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh không bao gồm nội dung và hình thức của các loại giấy tờ, tài liệu này;

– Có thể ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hợp pháp hóa lãnh sự mà không cần giấy ủy quyền;

– Ngôn ngữ sử dụng để hợp pháp hóa lãnh sự là tiếng Việt; tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng chính thức của nước nơi giấy tờ, tài liệu đó được sử dụng (thông tư 01/2012/TT-BNG).

Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 111/2011/NĐ-CP thì những loại giấy tờ, tài liệu không được hợp pháp hóa lãnh sự bao gồm:

1. Giấy tờ, tài liệu bị sửa chữa, tẩy xóa nhưng không được đính chính theo quy định pháp luật.

2. Giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự có các chi tiết mâu thuẫn nhau.

3. Giấy tờ, tài liệu giả mạo hoặc được cấp, chứng nhận sai thẩm quyền theo quy định pháp luật.

4. Giấy tờ, tài liệu có chữ ký, con dấu không phải là chữ ký gốc, con dấu gốc.

5. Giấy tờ, tài liệu có nội dung xâm phạm lợi ích của Nhà nước Việt Nam.

Như vậy, theo quy định pháp luật về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự thì có 05 loại giấy tờ không được hợp pháp hóa lãnh sự.

Bài viết có liên quan:

Phiếu lý lịch tư pháp là gì? Cơ quan có thẩm quyền cấp?

Hồ sơ đề nghị chứng nhận lãnh sự/ Hợp pháp hóa lãnh sự