Người phải thi hành án có quyền và nghĩa vụ gì?

Để đảm bảo cho người phải thi hành án dân sự được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước trong và sau giai đoạn tố tụng, đảm bảo cho việc thi hành án được thực hiện đúng pháp luật và có hiệu quả thì pháp luật thi hành án quy định thế nào về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án?

Giải quyết vấn đề:

Căn cứ theo Điều 7a Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2014) quy định quyền, nghĩa vụ của người phải thi hành án. Theo đó, điều luật đã đưa ra hướng xác định những quyền, nghĩa vụ và khái quát chung nhất về người phải thi hành án, cụ thể như sau:

Về quyền của người phải thi hành án:

+ Tự nguyện thi hành án; thỏa thuận với người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án; tự nguyện giao tài sản để thi hành án;

+ Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án theo quy định của Luật này;

+ Được thông báo về thi hành án;

+ Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án;

+ Chuyển giao nghĩa vụ thi hành án cho người khác theo quy định của Luật này;

+ Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ;

+ Được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án; được xét miễn, giảm một phần hoặc toàn bộ chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này;

+ Khiếu nại, tố cáo về thi hành án.

– Về nghĩa vụ của người phải thi hành án:

+ Thi hành đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định;

+ Kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó;

+ Thực hiện các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú;

+ Chịu chi phí thi hành án theo quy định của Luật này.

Tuy nhiên trong thực tế, có những trường hợp người phải thi hành án không sẵn sàng chấp hành bản án, trốn tránh việc thi hành án, có những hành vi tẩu tán – che giấu tài sản hoặc kê khai thiếu trung thực nhằm giảm bớt thiệt hại cho mình … nếu bên cơ quan thi hành án giám sát hoặc thực hiện không cặn kẽ việc đó thì trong công tác thi hành án sẽ gặp nhiều khó khăn.