Giải đáp tình huống về Thừa kế không có di chúc?

Luật sư tư vấn về một trường hợp thực tế về quan hệ thừa kế không có di chúc. Cụ thể như sau:

Câu hỏi của bạn đọc: Ông bà nội tôi có 7 người con, bố tôi là con trai cả của ông bà, bố tôi bị ung thư mất tháng 7/2009. Năm 2018 ông bà tôi mất không để lại di chúc. Tài sản ông bà tôi để lại là một ngôi nhà cấp 4 diện tích 60m2 và 1020m2 diện tích đất vườn. Hiện nay, các chú của tôi đang muốn bán toàn bộ diện tích nhà đất nêu trên, số tiền thu được từ việc chuyển nhượng sẽ chia đều cho 6 người con còn lại, và cho rằng bố tôi đã mất trước ông bà từ lâu nên nhà tôi không được chia phần đối với tài sản ông bà nội tôi để lại.

Thưa Luật sư, như vậy tôi và mẹ tôi có được hưởng di sản thừa kế từ ông bà nội của tôi không?

Trả lời:

Pháp luậtChào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp không có di chúc.

Với tình huống mà bạn đưa ra, do ông bà nội của bạn chết không để lại di chúc nên việc thừa kế sẽ được phân chia theo pháp luật.

Liên quan đến vấn đề thừa kế theo pháp luật thì Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về thứ tự của những người thừa kế theo pháp luật như sau:

“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Điều luật này cũng quy định những người thừa kế cùng hàng thì sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

Thêm vào đó, quy định về thừa kế thế vị tại Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 có nêu: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống…”.

Như vậy, trong trường hợp này, những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, tức là những người con đẻ của ông bà nội bạn sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau từ khối di sản ông bà bạn để lại, và bố bạn dù đã mất trước ông bà nội bạn từ lâu nhưng theo quy định về thừa kế thế vị thì bạn vẫn sẽ được hưởng thừa kế thế vị phần tài sản thừa kế của bố bạn mà lẽ ra bố bạn sẽ được nhận nếu còn sống. Phần thừa kế này bằng với phần thừa kế của những người khác cùng hàng.

Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế (Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015) để tránh trường hợp hết thời hiệu. Vì khi hết thời hiệu chia thừa kế thì di sản sẽ thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Số 1 Hà Nội về vấn đề bạn yêu cầu. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 1900 966 980 hoặc Emailluatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.