Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là chế định mới trong pháp luật về hôn nhân và gia đình ở nước ta. Chế định này lần đầu tiên được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Để thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, pháp luật quy định các điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:

Mang thai hộ

1. Điều kiện của bên nhờ mang thai hộ

Điều kiện đối với người nhờ mang thai hộ được quy định tại khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cụ thể:

Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản:

Theo quy định của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP thì các cơ sở khám, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm sau đây có thẩm quyền xác nhận về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản:

  • Cơ sở phụ sản, sản – nhi của Nhà nước từ tuyến tỉnh trở lên;
  • Bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa sản, khoa sản – nhi;
  • Bệnh viện chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa sản – nhi tư nhân;
  • Bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn.

Điều kiện này đặt ra nhằm tránh việc nhờ người mang thai hộ một cách bừa bãi, tránh tình trạng thương mại hóa mang thai hộ. 

– Vợ chồng đang không có con chung:

Điều kiện thứ hai được hiểu là vợ chồng nhờ mang thai họ chưa từng có con chung cho đến thời điểm nhờ bên mang thai hộ. Căn cứ theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP về hồ sơ đề nghị thực kiện kỹ thuật mang thai hộ, vợ chồng bên nhờ mang thai hộ phải có bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do UBND cấp xã nơi thường trú xác nhận.

– Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý:

Quy định này nhằm đảm bảo vợ chồng nhờ mang thai hộ có thể hiểu biết về mọi mặt của việc mang thai hộ.

Theo quy định tại điểm i, k, l khoản 1 Điều 14 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP thì:

  • Tư vấn về y tế phải do bác sỹ sản khoa thực hiện và cấp giấy xác nhận.
  • Tư vấn tâm lý phải do người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên tư vấn và xác nhận.
  • Tư vấn về pháp luật thì phải do luật sư, luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý tư vấn và xác nhận.

2. Điều kiện của bên mang thai hộ

– Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ:

Quy định này nhằm hạn chế tối đa hiện tượng mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Theo khoản 7 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP. Cụ thể bao gồm: “Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ”.

Việc xác định mối quan hệ này do UBND xã xác nhận hoặc người mang thai hộ. Người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở giấy tờ về hộ tịch.

– Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần

Điều kiện đã từng sinh con là cần thiết, bởi điều này sẽ giúp người phụ nữ chuẩn bị về mặt tâm lý, kỹ năng và kinh nghiệm để thực hiện tốt việc mang thai. 

Điều kiện “chỉ được mang thai một lần” được đặt ra với bên mang thai hộ. Điều này có nghĩa, bên mang thai hộ chỉ được mang thai một lần, bất kể việc mang thai hộ có thành công hay không. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại, cũng như để đảm bảo sức khỏe cho người phụ nữ nhận mang thai.

– Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ.

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định thế nào là độ tuổi phù hợp. Tuy nhiên, có thể suy đoán theo các nghiên cứu khoa học, thông thường độ tuổi sinh sản tốt nhất của người phụ nữ là khoảng từ 20 – 35 tuổi (theo nghiên cứu của Hiệp hội sản phụ khoa trên thế giới).

Điều kiện có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ vừa nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả bên mang thai hộ và đứa trẻ.

– Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý 

Cũng tương tự như bên nhờ mang thai hộ, bên mang thai hộ cũng phải được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý để có những hiểu biết tổng quan đề vấn đề mang thai hộ.

3. Điều kiện về hình thức của thỏa thuận về việc mang thai hộ

– Việc mang thai hộ phải được tiến hành trên cơ sở tự nguyện và lập thành văn bản có công chứng. Trường hợp bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền phải được lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý. Trường hợp thỏa thuận về mang thai hộ giữa hai bên được lập cùng với thỏa thuận giữa họ với cơ sở y tế thực hiện việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì thỏa thuận này phải có xác nhận của người có thẩm quyền của cơ sở y tế đó. 

– Nội dung cơ bản của văn bản mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Khoản 1 Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, bao gồm:

  • Thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên quan;
  • Cam kết thực hiện các quyền, nghĩa vụ được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình;
  • Việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa; hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ khác có liên quan;
  • Trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thỏa thuận

– Nếu bên mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của chồng. Bởi lẽ việc mang thai hộ có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cả hai vợ chồng.