Di chúc không được công chứng, chứng thực có hiệu lực không?

Câu hỏi của bạn đọc: Sau khi ông ngoại tôi mất, mọi người trong gia đình thu dọn, sắp xếp lại đồ đạc thì tìm thấy di chúc của ông. Trong bản di chúc viết tay đã ghi rõ việc phân chia tài sản cho các con, cháu, có cả chữ ký của ba người làm chứng là bạn của ông. Thưa Luật sư, di chúc của ông tôi không được công chứng, chứng thực mà chỉ có chữ kí của người làm chứng thì di chúc có hiệu lực để chia di sản hay không?

Trả lời:

Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Về hình thức của di chúc, Điều 627 của Bộ luật này quy định: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”.

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

– Di chúc bằng văn bản có công chứng;

– Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Di chúc do ông ngoại của bạn lập là di chúc bằng văn bản, có người làm chứng. Về nguyên tắc, mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người được quy định tại Điều 632 của Bộ luật này. Đó là:

“1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”.

Di chúc của ông ngoại bạn có hiệu lực nếu đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này. Bao gồm:

“a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật”.

Thêm nữa, theo khoản 4 của Điều này, “Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này”.

Như vậy, người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc. Đây không phải là yêu cầu bắt buộc, trừ trường hợp di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ, di chúc miệng thì phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.