Con nuôi có được hưởng di sản của bố mẹ nuôi không?

Câu hỏi của bạn đọc: Do kết hôn 10 năm mà vẫn chưa có con nên bố mẹ tôi đã nhận nuôi tôi từ một trại trẻ mồ côi. Sau khi nhận nuôi tôi được 2 năm, bố mẹ tôi sinh được một người con gái. Nay bố mẹ tôi gặp tai nạn giao thông đột ngột qua đời, không để lại di chúc. Tôi là con nuôi có được hưởng di sản mà bố mẹ tôi để lại không hay tài sản bố mẹ để lại sẽ được để lại toàn bộ cho con gái ruột?

Trả lời:

Việc nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững giữa cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi thông qua việc đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi các bên có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Việc nuôi con nuôi được đăng ký làm phát sinh quan hệ pháp luật cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và con nuôi. Quyền và trách nhiệm làm cha mẹ được chuyển giao một cách hợp pháp cho cha mẹ nuôi, bao gồm cả các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và về tài sản.

Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 về những người thừa kế theo pháp luật thì hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Như vậy, pháp luật quy định con nuôi là đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Do đó, khi cha mẹ nuôi chết, con nuôi hợp pháp có quyền được hưởng di sản mà cha mẹ nuôi để lại. Phần di sản của người chết sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, mà một trong số đó là con nuôi hợp pháp. Phần của người con nuôi nhận được sẽ tương đương phần của những người khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất được nhận.

Để được hưởng di sản của bố mẹ, bạn phải chứng minh được mình là con nuôi hợp pháp. Vậy hiểu thế nào là con nuôi hợp pháp?

Không phải trường hợp nào gọi là con nuôi cũng được pháp luật chấp nhận hưởng quyền thừa kế như con đẻ. Để được công nhận là con nuôi hợp pháp bạn phải chứng minh mình đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật Nuôi con nuôi 2010, như sau:

–  Người nhận nuôi và con nuôi đều phải đáp ứng những điều kiện sau:

+ Người nhận nuôi phải có hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện sức khỏe, kinh tế, chỗ ở; Có tư cách đạo đức tốt.

+ Con nuôi ở thời điểm được nhận nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi; Nếu từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ được cha dượng, mẹ kế; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

– Việc nhận con nuôi trong nước phải được đăng ký tại UBND cấp xã nơi thường trú của con nuôi hoặc người nhận nuôi; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nếu có yếu tố nước ngoài.

Khi được cơ quan đăng ký cấp Giấy chứng nhận nuôi con nuôi, quan hệ con nuôi với cha mẹ nuôi mới chính thức được xác lập. Khi cha mẹ nuôi chết, con nuôi mới được hưởng quyền thừa kế theo pháp luật như con đẻ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội về vấn đề bạn yêu cầu. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ đến Luật sư tư vấn trực tiếp TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT 024.6656.9980 hoặc Emailluatso1hanoi@gmail.com để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.