Chuyên mục Cẩm nang kết hôn – Phần 1

Câu hỏi 1: Đăng ký kết hôn là gì?

Đăng ký kết hôn là thủ tục pháp lý ghi vào sổ đăng ký kết hôn để chính thức công nhận nam, nữ là vợ chồng hợp pháp, là cơ sở để luật pháp bảo vệ quyền lợi và sự ràng buộc về nghĩa vụ của mỗi người. Giấy chứng nhận kết hôn là một loại văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho hai bên nam, nữ khi đăng ký kết hôn, sau khi đăng ký kết hôn, sẽ phát sinh quyền lợi và nghĩa vụ đối với người chồng và người vợ.

Câu hỏi 2: Hồ sơ đăng ký kết hôn gồm những gì?

Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu. Hai bên nam, nữ có thể khai chung vào một Tờ khai đăng ký kết hôn.

– Bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp trong trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn không đăng ký thường trú tại địa bàn xã làm thủ tục đăng ký kết hôn (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa được xây dựng xong và thực hiện thống nhất trên toàn quốc).

– Trường hợp người yêu cầu đăng ký kết hôn đang công tác, học tập, lao động có thời hạn ở nước ngoài thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp.

Câu hỏi 3: Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn là bao lâu?

Đối với trường hợp đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân cấp xã: Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ. Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.

Đối với trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện: Hai bên nam, nữ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Người nước ngoài, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nộp thêm giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân, bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ công chức làm công tác hộ tịch có trách nhiệm xác minh, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Đối với trường hợp đăng ký kết hôn tại khu vực biên giới: Ủy ban nhân dân xã ở khu vực biên giới thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam thường trú tại địa bàn xã đó với công dân của nước láng giềng thường trú tại đơn vị hành chính tương đương cấp xã của Việt Nam tiếp giáp với xã ở khu vực biên giới của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định. Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 08 ngày làm việc.

Câu hỏi 4: Cơ quan nào có thẩm quyền đăng ký kết hôn?

Theo quy định tại khoản 1, Điều 17 Luật Hộ tịch năm 2014 về  thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn thì: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn. Theo đó, thẩm quyền đăng ký kết hôn thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong các bên thực hiện đăng ký kết hôn. Nơi cư trú của công dân được pháp luật giải thích là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống, có thể là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 37 Luật Hộ tịch 2014 còn quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.

Câu hỏi 5: Việc kết hôn cùng giới có được nước ta công nhận hay không?

Hôn nhân đồng giới hay còn gọi là hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Đây là vấn đề nhạy cảm không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới, ngay cả với những nước phát triển. Hôn nhân giữa những người cùng giới tính là hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sinh học, đồng cảm, chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống. Những người cùng giới tính họ cũng mong ước giống như người bình thường đó là được chung sống trong một gia đình với người mình yêu, được quan tâm, chăm sóc.

Trước đây, nếu theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 việc kết hôn giữa những người cùng giới tính bị cấm thì từ 01/01/2015 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực đã bỏ điều cấm này, thay vào đó được quy định như sau: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2 Điều 8). Không thừa nhận có nghĩa là pháp luật không cho phép người giới tính đăng ký kết hôn tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hay được coi như vợ chồng với các quyền và nghĩa vụ tương ứng.

Như vậy, theo quy định trên thì hôn nhân giữa những người cùng giới tính không còn bị cấm. Người đồng tính có thể tổ chức hôn lễ, chung sống với nhau nhưng dưới góc độ pháp lý thì không được coi như vợ chồng và không thể đăng ký kết hôn. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu và thảo luận xã hội trong suốt những năm qua, giúp các nhà làm luật có góc nhìn tích cực hơn về quyền kết hôn, bình đẳng của người đồng tính và các cặp đôi cùng giới tính.

Câu hỏi 6: Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ hôn nhân thì có cần đăng ký kết hôn hay không?

Câu chuyện sau ly hôn, vợ chồng quay lại với nhau là trường hợp hy hữu, ít khi gặp. Khi hôn nhân đã không còn thì dù lý do gì hai vợ chồng cũng thường có tâm lý, cảm giác mặc cảm, không muốn quay lại chung sống, không muốn bước lại con đường đã đổ vỡ. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp ly hôn vì nhiều lý do khác nhau mà vợ chồng vẫn còn tình cảm hoặc cũng có thể vì những người con của họ nên đã quay lại với nhau. Do đó, tại tại khoản 2 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 được quy định: “Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn”. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định, việc kết hôn mà không được đăng ký theo quy định thì không có giá trị pháp lý.

Câu hỏi 7: Một số nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn trường hợp thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… để dẫn cưới). Vậy, xin hỏi việc áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình được pháp luật quy đnh như thế nào? Việc thách cưới trên có vi phạm pháp luật không?

Tập quán về hôn nhân và gia đình là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng[1].

Theo Điều 7 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng. Thực tế hiện nay, các phong tục, tập quán tốt đẹp về hôn nhân và gia đình của các dân tộc như: nam nữ tự do tìm hiểu, tự do lựa chọn người bạn đời; hoặc sau khi kết hôn, tùy theo sự sắp xếp, thỏa thuận giữa hai gia đình, vợ, chồng có thể cư trú ở nhà vợ hoặc ở nhà chồng, tục đổi sữa mẹ; cha mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con nên người, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con gây ra… vẫn được thực hiện và phù hợp với pháp luật của nhà nước ta không bị nghiêm cấm mà khuyến khích phát huy, áp dụng. Ngược lại, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình là tập quán trái với những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình và vi phạm pháp luật điều cấm đồng thời cũng vi phạm đạo đức và lối sống tiến bộ của xã hội hiện đại.

Theo quy định tại khoản 12, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ”. Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 5 Luật này cũng quy định những hành vi bị cấm, trong đó “Yêu sách của cải trong kết hôn” là hành vi bị nghiêm cấm.

Theo quy định của pháp luật nêu trên thì có thể thấy việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ là các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình.

[1] Khoản 4 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Câu hỏi 8: Thế nào là nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng?

Khoản 7, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 giải thích: “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như là vợ chồng”. Việc nam nữ sống chung như vợ chồng có các đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, có đủ điều kiện kết hôn nhưng chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nam, nữ  kết hôn với nhau phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện được quy định tại Luật này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các bên có đủ điều kiện kết hôn nhưng không thực hiện việc đăng ký kết hôn. Đây là một đặc điểm cơ bản để phân biệt với trường hợp nam nữ  không đủ điều kiện kết hôn nên không thể đăng ký kết hôn hay trường hợp kết hôn trái pháp luật  (các bên có đăng ký kết hôn nhưng lại vi phạm điều kiện kết hôn).

Thứ hai, trong thời gian chung sống như vợ chồng, hai người thực sự coi nhau là vợ chồng.

Đây là đặc điểm để phân biệt với trường hợp “chung sống tạm bợ”. Tuy nhiên, để đánh giá việc “thực sự coi nhau là vợ chồng” là một việc không hề dễ dàng, vì còn phải phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Ngoài việc phải căn cứ vào lời khai của mỗi người thì còn phải xem xét tình cảm, thái độ, cách cư xử của họ với nhau và hậu quả trong thời gian chung sống để đánh giá và quyết định.

Thứ ba, khi bắt đầu chung sống, hai người muốn chung sống lâu dài và ổn định.

Đây là đặc điểm để phân biệt với khái niệm “hôn nhân thử nghiệm” mà những năm gần đây được nhắc tới thường xuyên. Với “hôn nhân thử nghiệm”, sau một thời gian chung sống, các bên thấy phù hợp thì sẽ tiến hành đăng ký kết hôn, nếu không hợp thì “đường ai nấy đi”. Còn chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn thì ngay từ khi bắt đầu chung sống họ đã có ý định gắn bó lâu dài với nhau, xuất phát từ mong muốn xây dựng một cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc.

Câu hỏi 9: Nam, nữ tổ chức đám cưới và sống chung với nhau như vợ chồng  mà không đăng ký kết hôn như vy có được pháp luật công nhận là vợ chồng không?

Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thứ nhất, trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyễn khích đăng ký kết hôn. Cần chú ý là trong trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn.[1]

Trường hợp thứ hai, đối với trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực) mà có đủ điều kiện kết hôn, nhưng chưa đăng ký kết hôn và đang chung sống với nhau như vợ chồng, thì họ có nghĩa vụ đăng ký kết hôn kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003.

Do đó, cần phân biệt như sau:

  • Kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003 nếu họ chưa đăng ký kết hôn hoặc đã đăng ký kết hôn mà họ có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý trong trường hợp họ thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội,[2] thì quan hệ của họ vẫn được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng, chứ không phải kể từ ngày đăng ký kết hôn.
  • Kể từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn, thì theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35của Quốc hội họ không được công nhận là vợ chồng.
  • Kể từ sau ngày 01/01/2003 họ mới đăng ký kết hôn và sau đó một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn. Trong trường hợp này, thì quan hệ vợ chồng của họ chỉ được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ đăng ký kết hôn.

Như vậy, được coi nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;

– Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;

– Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;

– Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

[1] Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP Thông tư liên tịch của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị Quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.

[2] Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết. Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.