Tranh tụng

TRANH TỤNG TRONG CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ

Lần đầu tiên nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” được quy định trong Hiến pháp năm 2013 (khoản 5 Điều 103) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 26) đánh dấu sự thay đổi căn bản cách tiếp cận cũng như phương thức giải quyết vụ án hình sự. Nguyên tắc này đã thể hiện tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 26/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với việc xây dựng hoạt động tố tụng hình sự dân chủ, bình đẳng bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

“Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” là một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, là định hướng cho việc xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật tố tụng hình sự được quy định tại Điều 26 của bộ luật này, với các nội dung sau:

Thứ nhất, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự các chủ thể tiến hành tố tụng và chủ thể tham gia tố tụng bình đẳng đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra các yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. “Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, điều tra viên, kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiền hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan củ vụ án”.

Thứ hai, pháp luật tố tụng hình sự quy định các điều kiện để tiến hành hoạt đọng tranh tụng trong xét xử, như: hồ sơ vụ án phải đầy đủ, hợp pháp khi Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án; bảo đảm sự có mặt đầy đủ của các thành phần tham dự phiên tòa theo quy định của pháp luật trừ một số trường hợp đặc biệt; Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho các bên thực hiện tranh tụng dân chủ bình đẳng. “Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật này, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do Bộ luật này quy định. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án”.

Thứ ba, chứng cứ và các điều, khoản áp dụng để giải quyết các vấn đề của vụ án phải được đưa ra xem xét, làm rõ tại phiên tòa: “Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản của Bộ luật Hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa”.

Thứ tư, hoạt động bào chữa và vai trò của luật sư được nâng cao, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 lần đầu tiên quy định một chương riêng về bào chữa (Chương V: Bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự).

Thứ năm, kết quả tranh tụng tại phiên tòa là cơ sở, căn cứ để Tòa án ra bản án và các quyết định của mình “Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa”.

Với những nội dung của nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 lần đầu tiên đã khẳng định tranh tụng là phương thức ưu việt trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án hình sự, là xu thế tất yếu của tố tụng hình sự, thể hiện mô hình tố tụng dân chủ, bình đẳng, tôn trọng và bảo vệ công lý, quyền con người. Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình tố tụng hình sự trong tụng nhưng việc quy định phải bảo đảm tranh tụng trong xét xử – hoạt động trung tâm của tố tụng hình sự có ý nghĩa  “lan tỏa” đến toàn bộ quá trình tố tụng hình sự giải quyết vụ án. Đồng thời, nguyên tắc này đã thể hiện chính sách, pháp luật  về tố tụng hình sự hiện nay của Đảng được ghi nhận trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp năm 2020: nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp.

Việc quy định nguyên tắc ” tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã phản ánh bước tiến của nền tư pháp nước nhà, tạo sự chuyển biến về chất, có tính quyết định đối với hiệu quả hoạt động tố tụng hình sự. Đồng thời, đưa ra những yêu cầu, điều kiện để đảm bảo thực thi nguyên tắc này khi giải quyết vụ án hình sự, đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm bảo đảm tranh tụng trong xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng: ” Thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi phải thay đổi mạnh mẽ từ ý thức đến hành động, phải xác định bảo đảm tranh tụng là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng”.

Mô hình tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay vẫn là mô hình tố tụng xét hỏi có tiếp thu các yếu tố hợp lý của  tố tụng tranh tụng. ” Tranh tụng trong xét xử” vẫn đang cần rất nhiều nỗ lục để  “được bảo đảm” , việc tranh tụng trước giai đoạn xét xử còn tương đối mờ nhạt. Việc thực hiện quyền thu thập chứng cứ của luật sư còn gặp nhiều khó khăn, quá trình xét xử, đưa bản án của Tòa án trong nhiều trường hợp vẫn dựa trên cơ sở hồ sơ vụ án và các chứng cứ do Cơ quan điều tra thu thập, số lượng và chất lượng luật sư còn những hạn chế nhất định. Do đó, bảo đảm tranh tụng trong tố tụng hình sự là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và cũng là của các luật sư tranh tụng.

Trích: Kỹ năng hoạt động danh cho luật sư trong vụ án hình sự – PGS.TS Nuyễn Ngọc Chí (Chủ biên)