Các phương thức xử lý tài sản bảo đảm

Xử lý tài sản bảo đảm là việc bên nhận bảo đảm thực hiện một trong các phương thức xử lý tài sản bảo đảm mà Bộ luật dân sự (BLDS) và các văn bản pháp luật khác về giao dịch đã quy định nhằm đáp ứng quyền lợi của mình trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm. Pháp luật giao dịch bảo đảm đã có quy định về nhiều phương thức xử lý tài sản bảo đảm khác nhau và cho phép bên nhận bảo đảm có quyền lựa chọn một trong số đó. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản bảo đảm sẽ được bán đấu giá.

Vậy việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo những phương thức nào?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 303, BLDS năm 2015, các bên có thể thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:

1. Bán đấu giá tài sản

– Bán đấu giá là phương thức mua bán khách quan, phổ biến nhất do pháp luật quy định nhằm tạo điều kiện cho việc bán được tài sản với giá cao nhất.

– Nếu các bên có thỏa thuận trong giao dịch bảo đảm là bên nhận bảo đảm có quyền bán đấu giá tài sản thì khi bên bảo đảm không thực hiện nghĩa vụ, bên nhận bảo đảm có quyền ký hợp đồng bán đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá.

– Nếu không có thỏa thuận về bán đầu giá tài tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật.

– Việc bán đấu giá tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

2. Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản

– Việc tự bán tài sản bảo đảm được thực hiện trong trường hợp các bên có thảo thuận và thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng mua bán tài sản. Khi đó, bên nhận bảo đảm được bán tài sản bảo đảm cho một bên thứ ba bất kỳ mà không cần phải được sự đồng ý của bên bảo đảm.

– Bên nhận bảo đảm sẽ ký kết với bên thứ ba một hợp đồng mua bán tài sản hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nếu tài sản bảo đảm là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng bảo đảm được ký kết giữa bên nhận bảo đảm và bên bảo đảm là cơ sở để thực hiện việc đăng ký.

– Số tiền thu được từ việc tự bán tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định tại Điều 307 BLDS năm 2015.

3. Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ

– Việc nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận của các bên tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, thì bên nhận bảo đảm chỉ được nhận chính tài sản sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ khi có sự đồng ý bằng văn bản của bên bảo đảm.

– Trường hợp có sự chênh lệch về giá trị nghĩa vụ được bảo đảm và giá trị tài sản bảo đảm thì được giải quyết như sau:

+ Nếu giá trị của tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thanh toán số tiền chênh lệch đó cho bên bảo đảm.

+ Nếu giá trị của tài sản bảo đảm nhỏ hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa thanh toán trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm.

– Bên bảo đảm có nghãi vụ thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật.

4. Phương thức khác

Ngoài các phương thức nêu trên, các bên có thể thỏa thuận các phương thức khác phù hợp với tính chất của nghĩa vụ được bảo đảm. Chẳng hạn, các bên có thể thỏa thuận về việc đưa tài sản bảo đảm vào khai thác hay cho thuê và số tiền thu được từ việc khai thác hay cho thuê sẽ được sử dụng vào việc thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm.  Nhận các khoản tiền hoặc tài sản khác từ bên thứ ba

Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản sẽ được bán đấu giá.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

  • Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
  • Email: luatso1hanoi@gmail.com
  • Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
  • Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội