Các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng, trong giai đoạn này, các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét có hay không có dấu hiệu tội phạm, quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật. Vậy có bao nhiêu căn cứ không khởi tố vụ án hình sự?

Theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quyết định không khởi tố vụ án hình sự được ban hành khi có một trong những căn cứ sau:

1. Không có sự việc phạm tội

Sự việc phạm tội là sự việc do hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra. Khi có sự việc phạm tội, cơ quan có thẩm quyền phải khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra làm rõ tội phạm và người phạm tội. Trường hợp không có sự việc phạm tội, thì không được khởi tố vụ án hình sự. Thông thường, có hai trường hợp xác định không có sự việc phạm tội:

+ Có sự việc xảy ra trong thực tế nhưng không phải do hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra thì không phải là sự việc phạm tội;

+ Không có sự việc nào xảy ra mà nguồn tin chỉ là giả tạo hoặc vu khống/

2. Hành vi không cấu thành tội phạm

Một hành vi chỉ bị coi là tội phạm khi hành vi đó có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS. Nếu hành vi không có hoặc có nhưng không đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm nào thì hành vi ấy không phải là tội phạm và người đã thực hiện hành vi ấy không phải là tội phạm và người đã thực hiện hành vi đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà BLHS có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của BLHS năm 2015.

4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật

Khi Tòa án đã ra bản án hoặc ra quyết định đình chỉ vụ án đối với sự việc nào đó thì có nghĩa sự việc đó đã được giải quyết và không ai có quyền khởi tố lại sự việc đã được giải quyết. Điều 106 Hiến pháp năm 2013 quy định: Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Đồng thời Điều 31 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.

Vì vậy, khi người có hành vi phạm tội mà tòa án đã ra bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án đã có hiệu lực pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền không được khởi tố vụ án đó. Nếu có lí do xác định bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án không đúng thì người có thẩm quyền kháng nghị theo quy định của pháp luật.

5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn pháp luật quy định dược tính kể từ ngày xảy ra tội phạm mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Một người đã thực hiện tội phạm bình thường thì người đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, có trường hợp vì lí do nào đó sau một thời gian, người phạm tội chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm mà thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự dài hay ngắn.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là năm năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; mười năm đối với tội phạm nghiêm trọng; mười lăm năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; hai mươi năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nếu trong thời hạn trên, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. Nếu người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính và đã có quyết định truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

BLHS năm 2015 quy định các tội phạm sau không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:

  • Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
  • Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
  • Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, 4 Điều 353 BLHS;
  • Tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 BLHS.

Đối với các tội phạm khác nếu qua thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015 thì không khởi tố vụ án hình sự.

6. Tội phạm được đại xá

Đại xá là một biện pháp khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, do Quốc hội quyết định mà nội dung của nó là tha hoàn toàn đối với hàng loạt người phạm tội đã phạm một hoặc một số loại tội phạm nhất định.

Văn bản đại xá chỉ có hiệu lực đối với những hành vi phạm tội được nêu trong văn bản và đã xảy ra trước khi ban hành văn bản đại xá. Đối với những tội phạm được đại xá xảy ra trước khi ban hành văn bản đại xá thì cơ quan có thẩm quyền không được khởi tố vụ án.

7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác

Trường hợp vì một lí do nào đó, sau khi thực hiện tội phạm, người phạm tội đã chết. Trường hợp này, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự để áp dụng một hình phạt đối với họ sẽ không mang lại ý nghĩa gì. Vì vậy, khi người thực hiên hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, các cơ quan có thẩm quyền không khởi tố vụ án hình sự, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Đây là những vụ việc tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng do không có yêu cầu khởi tố của bị hại quy định tại Điều 155 BLHS năm 2015 nên cơ quan có thẩm quyền không được khởi tố vụ án hình sự.

Khi có một trong các căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự thì người có quyền khởi tố vụ án ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Nếu đã khởi tố thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết rõ lí do.

 Đây là căn cứ mới được bổ sung trong Bộ luật Tổ tụng hình sự năm 2015. Trong những vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nếu bị hại không có yêu cầu khởi tố thì cơ quan có thấm quyên phải ra quyết định không khởi tổ vụ án hình sự.

Xem thêm Căn cứ khởi tố vụ án hình sự tại đây: https://luatso1.vn/cac-can-cu-khoi-to-vu-an-hinh-su/

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Số 1 Hà Nội. Chúng tôi chuyên cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có vướng mắc các vấn đề pháp lý liên quan.

Mọi thắc mắc của Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ theo thông tin sau:

  • Điện thoại: 024.6656.9880 – Hotline: 096.128.9933
  • Email: luatso1hanoi@gmail.com
  • Fanpage: Công ty Luật Số 1-HN
  • Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà số 33 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, TP.Hà Nội